Chiến Binh Cầu Vồng: Giá trị lớn lao của giáo dục, tri thức và niềm tin

“Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được học hành” – Hiến pháp Indonesia.

Chiến Binh Cầu Vồng (Tiếng Indonesia: Laskar Pelangi) được viết bởi Andrea Hirata – nhà văn ăn khách nhất của Indonesia từ trước đến nay. Đây là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ khi xuất bản lần đầu vào năm 2005, câu chuyện về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để giữ được quyền giáo dục đã đạt được thành công vang dội. Đó là những thầy cô, những đứa trẻ dám khát khao và chiến đấu vì tri thức bằng một niềm tin mãnh liệt.

chiến binh cầu vồng, review sách, laskar pelang, andrea hirata, sách về giáo dục(Ảnh: Mubi)

Cuốn sách đưa chúng ta về hòn đảo Belitong thập niên 80. Hòn đảo này xinh đẹp và giàu có là thế, nhưng người dân lại khổ cực trăm bề. Trong một gia đình cu li, người ta phải làm lụng cả ngày để thu về 5 đô la một tháng. Với những đứa trẻ trong gia đình đó, nó không mơ về trường học, bài giảng, kiến thức mà lại là những nông trường khai thác tiêu và thiếc rộng lớn. Chính vì vậy trường học là một cái gì đó xa lạ với người nghèo Belitong, họ được nhồi rằng học tập chỉ dành cho con em nhà giàu. Con nhà nghèo thì sao không đi làm, ít ra còn phụ giúp kinh tế, còn khả thi hơn cho đi học, vừa tốn kém vừa không có lợi lộc gì.

Vào ngày khai giảng năm học, chỉ có 9 đứa trẻ đến trường. Trong khi thầy hiệu trường Harfan và cô Mus lo lắng, thì những đứa trẻ đã dần chuyển tâm trạng từ vui sướng sang phụng phịu vì có thể niềm vui được đi học sẽ bị dập tắt. Theo quy định, trường Muhammadiyah phải có tối thiểu 10 học sinh mới được tiếp tục hoạt động. Cuối cùng, phép màu đã đến khi có một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ bẩm sinh đến.

chiến binh cầu vồng, review sách, laskar pelang, andrea hirata, sách về giáo dục(Ảnh: Flickr/Far East Film Festival)

Dù vậy, ngay cả khi được phép tiếp tục giảng dạy, vẫn còn biết bao khó khăn đang chờ họ ở phía trước. Ngôi trường với tuổi thọ 120 tuổi đã vô cùng cũ kỹ và xập xệ, chỉ cần một cơn gió đi qua, ngôi trường có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trong trường chẳng có gì, không có mô hình học tập, không có quả địa cầu, cờ và quốc huy Indonesia. Tay thanh tra Samadikun thì luôn tìm mọi cơ hội để đóng cửa ngôi trường.

11 học sinh của trường, trừ Flo ra, đều được sinh ra từ những gia đình cu ly. Bố mẹ chúng làm việc cực khổ cả ngày và chưa bao giờ hào hứng cho con đi học. Họ trân trân lo lắng về những chi phí sẽ phải trả cho nhà trường. Những đứa trẻ đến trường với bộ tóc bờm xờm, tay chân lem luốc, chân mang dép lốp ô tô, chúng cũng chẳng có đồ dùng học tập cần thiết. Nhưng ẩn sâu trong đó là một tinh thần khao khát đi học, khao khát trí thức mà không phải ai cũng có được.

chiến binh cầu vồng, review sách, laskar pelang, andrea hirata, sách về giáo dục(Ảnh: Flickr/Far East Film Festival)

Trong những chiến binh đó, Ikal là hiện thân của tác giả thuở nhỏ. Dù không phải là đứa trẻ thông minh nhất, thậm chí có lúc lầm đường lạc lối mà yêu sớm nhưng sau này đã kiên trì với con đường học hành.

Còn có cậu bé Marha, một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, chính Marha đã khiến cho đời sống tinh thần của những đứa trẻ khác đủ đầy hơn và gián tiếp cho chúng biết thế nào là ước mơ.

Nhưng có lẽ ám ảnh nhất trong lòng người đọc là hình ảnh cậu bé Litang. Ngày ngày cậu bé phải đi xe đạp cả đi và về là 80 cây số, băng qua 4 khu rừng lúc nhúc cá sấu ăn thịt người, trên chiếc xe đạp cà tàng. Nhưng không vì thế mà em bỏ cuộc. Vì lòng khát khao con chữ, chưa ngày nào em nghỉ học, luôn tới trường sớm nhất. Em thực hiện lời hứa với người cha, điền vào lá đơn nhập học khi em biết chữ, vì cha em không biết chữ. Em là một bông hoa nở sớm, là một thiên tài đáng ngưỡng mộ. Em say mê học tập và giúp đỡ bạn bè có động lực cho  tương lai dù chính em cũng sống trong đói nghèo túng quẫn. Nhưng cuối cùng, ước mơ trở thành nhà Toán học của em không thành hiện thực vì trước kỳ thi tốt nghiệp, cha em mất. Người đàn ông duy nhất trong nhà có khả năng lao động đã không còn. Em buộc phải bỏ học để đi kiếm tiền nuôi sống 13 miệng ăn trong gia đình.

Tuy vậy, tác phẩm vẫn có những mảng sáng mang đến hy vọng và cảm xúc lạc quan cho độc giả. Đó là những kỷ niệm trong sáng ngây thơ của các thầy cô và học trò tại ngôi trường, những câu chuyện đầy sức hút của Mahar, buổi xem phim tuyệt vời của đội chiến binh, lễ hội hóa trang vui nhộn, kì thi học sinh giỏi kịch tính với hai cúp vô địch sáng chói.

chiến binh cầu vồng, review sách, laskar pelang, andrea hirata, sách về giáo dục(Ảnh: Flickr/Far East Film Festival)

Và chi tiết lạc quan nhất có lẽ là khi thầy Harfan và cô Mus – hai chiến binh thầm lặng, những giáo viên nghèo khổ trong một ngôi trường bị lãng quên nhưng luôn tận tâm mang hơi thở giáo dục đến cho trẻ em ở hòn đảo. Hơn năm mươi năm gắn bó với con chữ, thầy hiệu trưởng Harfan chưa từng được nhận một rupi tiền lương nào, nhưng vẫn đến khu làm việc của culi để động viên từng đứa trẻ đến trường. Dù sống trong túng quẫn, nhưng những lời chỉ dạy của thầy Harfan luôn truyền cảm hứng, khơi gợi sự ham học cho học trò, không đầu hàng nghịch cảnh. Thầy cho rằng, hạnh phúc là khi người ta biết học cách cho đi. Ai cũng đều có thể hạnh phúc, miễn là họ biết cho đi thật nhiều.

“Học không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Thầy xem học tập là ca tụng nhân bản, là thanh cao, là niềm vui khi cắp sách đến trường và là ánh sáng văn minh.”

chiến binh cầu vồng, review sách, laskar pelang, andrea hirata, sách về giáo dụcCô Mus là một cô giáo tận tâm yêu nghề, từ bỏ công việc mơ ước, bước vào nghiệp nhà giáo với nhiều tâm huyết, giúp đỡ các em hết mình (Ảnh: Flickr/Far East Film Festival)

Đối với những đứa trẻ, thầy Harfan và cô Mus không chỉ là thầy cô giáo mà còn là những người đã làm nên tuổi thơ đáng nhớ cho tất cả, họ luôn dành tất cả những gì tử tế nhất cho chúng. Nếu mười đứa trẻ được tác giả ví là mười chiến binh cầu vồng thì thầy Harfan và cô Mus chính là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của các chiến binh.

Học tập là quyền cơ bản của con người, nhưng vẫn có vô vàn những đứa trẻ và những thầy cô phải đấu tranh cho quyền đó. Dù khi tác phẩm kết thúc, hy vọng đổi đời của những đứa trẻ vẫn thật xa vời. Nhưng trong đau thương vẫn có hạnh phúc. Cái kết của cuốn sách cho người ta có niềm tin vào giáo dục, vào ước mơ, và giáo dục chính là cội nguồn cho mọi hạnh phúc.

Nguồn : https://www.wowweekend.vn

Đánh giá post
[related_posts_by_tax posts_per_page="6" title="Bài liên quan" taxonomies="category,post_tag"]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0974.0707.83(Zalo/Viber)