‘Kêu cứu’ khi quá tải công việc

Thay vì nhẫn nhịn, nhân viên cần lên tiếng nếu liên tục bị giao thêm việc dù đã quá bận rộn. Nếu không, kiệt sức và bị đánh giá thấp là kết quả khó tránh. Ôm đồm công việc chỉ khiến nhân viên nhanh rơi vào trạng thái burn out. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

'Kêu cứu' khi quá tải công việc

“Tôi luôn trong trạng thái choáng ngợp vì khối lượng công việc khổng lồ. Tuy nhiên, tôi không dám lên tiếng ý kiến vì sợ bị sếp đánh giá thấp”.

Thực tế, phần lớn nhân viên đều từng ít nhất một lần trải qua cảm giác tương tự. Lúc này, mọi phương án phân bổ nhiệm vụ, lịch trình hay kiểm soát căng thẳng đều không mang lại kết quả.

Thay vào đó, hướng giải quyết phù hợp nhất là trao đổi thẳng thắn với quản lý. Nếu không, mọi thứ sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, tồn đọng và kiệt quệ là kết cục khó tránh cho mọi người, Stylist đưa tin.

Dưới đây là một số gợi ý từ Jenny Devonshire, người sáng lập cổng thông tin sức khỏe công sở Pause2Perform, nhằm giúp nhân sự xoay xở khi rơi vào cảnh dồn ứ công việc.

Liệu có cần kêu cứu?

Trước khi sắp xếp một cuộc họp hoặc ngồi lại với sếp, chúng ta nên cân nhắc tham khảo ý kiến vài đồng nghiệp gần gũi, nhiều kinh nghiệm xem liệu mình có đang phải làm việc quá sức không.

“Trong một số trường hợp, nhân viên dễ rơi vào trạng thái hoảng loạn vì quá căng thẳng khi thường xuyên được giao nhiệm vụ mới. Song, chưa chắc khối lượng công việc đã nằm ngoài khả năng quán xuyến thực tế của họ.

Lúc này, trao đổi với đồng nghiệp sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan, hoặc được hỗ trợ chia nhỏ các phần việc để dễ xoay xở hơn. Tất nhiên, nếu nhận được sự đồng tình, chúng ta sẽ thêm mạnh dạn khi trình bày vấn đề với quản lý”, Devonshire nói.

Hình ảnh thuộc sở hữu của trang web qnet88.com

Chuẩn bị nội dung

Trước cuộc gặp, mọi người cần đảm bảo nắm chắc những gì muốn và cần nói.

Thay vì giữ mọi thứ ở dạng suy nghĩ, hãy viết ra giấy, sắp xếp thứ tự ưu tiên cho từng hạng mục. Nhờ đây, quá trình trò chuyện sẽ đi đúng hướng, cũng như đảm bảo giao tiếp ngắn gọn.

Ngoài ra, liệt kê chi tiết các dự án, nhiệm vụ mình phụ trách trong vài tháng gần đây sẽ giúp lý lẽ của chúng ta thêm phần sắc bén.

Trong trường hợp chưa đủ tự tin, bạn có thể thử “tập dợt” với một đồng nghiệp nào trước khi thực sự vào buổi trò chuyện nhằm đảm bảo phần trình bày.

“Nói suông chưa bao giờ là cách trình bày tốt. Hãy cho quản lý thấy với khối lượng công việc hiện tại, bạn không thể xoay xở tốt với quỹ thời gian đang có. Nếu là quản lý tử tế, họ sẽ nhìn nhận vấn đề và giúp bạn cân bằng việc làm – đời sống riêng tư”, chuyên gia cho biết.

Hình ảnh thuộc sở hữu của trang web qnet88.com

Đề xuất giải pháp

Chắc chắn, mọi thứ khó đúng 100% với nguyện vọng của chúng ta. Do đó, không thể loại trừ trường hợp sếp vẫn yêu cầu bạn hoàn thành mọi thứ, với hỗ trợ duy nhất là linh hoạt hơn về mặt thời gian.

Lúc này, đưa ra các đề xuất về cách thực hiện công việc sẽ là phương án tối ưu.

“Ngoài giúp duy trì sự chủ động với phần việc được giao, bạn còn thể hiện được trách nhiệm và thái độ tích cực với tư cách là một nhân viên tận tụy khi chủ động đưa ra lối xử lý”, chuyên gia chia sẻ.

Một số giải pháp tiềm năng được gợi ý bao gồm:

Nới giãn deadline: Xin phép tập trung vào những dự án thực sự quan trọng hay cần hoàn thành gấp, sau đó mới chuyển sang các đầu việc khác.

Yêu cầu tài nguyên: Giả sử, công việc sẽ được đẩy nhanh nếu bạn được hỗ trợ bởi nhóm nhân lực tăng cường hoặc sử dụng máy móc. Hãy mạnh dạn đề nghị quản lý đầu tư, phê duyệt khoản này.

Ủy quyền: Đừng ngại gợi ý giao việc lại có các nhân viên tiềm năng khác. Điều này không khiến bạn thành người lười biếng, thay vào đó sếp sẽ thấy bạn là người có cái nhìn đúng đắn về năng lực của bản thân.

Hình ảnh thuộc sở hữu của trang web qnet88.com

Tập cách từ chối

Nhiều nhân sự sợ làm phật ý đồng nghiệp, cấp trên nên luôn gắng gượng với công việc, dù hiểu rõ mình không đủ sức.

Lời khuyên lớn nhất của Devonshire là tập nói “không” để thiết lập các ranh giới rõ ràng hơn trong tương lai.

Chẳng hạn, bạn chỉ nhận việc trong giờ hành chính, không trả lời email vào buổi tối và luôn từ chối các nhiệm vụ phụ, nằm ngoài danh mục ban đầu.

“Ngoài ra, khi được giao việc trong lần tới, hãy mạnh dạn hỏi về thời gian cần thiết để hoàn thành mọi thứ.

Đừng ngại cho họ biết về tình hình tồn đọng nhiệm vụ của bạn và yêu cầu sự thông cảm. Nếu bắt buộc phải tham gia, bạn nên chủ động đề xuất giảm tải công việc khác, thay vì im lặng nhẫn nhịn”, chuyên gia tâm lý nói thêm.

Hình ảnh thuộc sở hữu của trang web qnet88.com

Nguồn : https://zingnews.vn

Đánh giá post
[related_posts_by_tax posts_per_page="6" title="Bài liên quan" taxonomies="category,post_tag"]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline: 0974.0707.83(Zalo/Viber)